3 SAI LẦM LỚN NHẤT CẦN TRÁNH TRONG QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ
Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa những thành công ngoạn mục của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway so với kết quả tầm tầm “vừa đủ tốt” của hầu hết chúng ta, không gì khác hơn, chính là bản thân con người tài hoa lỗi lạc ấy. Xuất sắc, lý trí nhất quán, may mắn sở hữu một đầu óc kinh doanh siêu việt thiên bẩm; chính những điều kiện đó đã giúp ông tránh được những “tai nạn” đầu tư vốn làm điêu đứng biết bao công ty khác.
Buffett luôn chia sẻ với các nhà đầu tư của mình rằng ông từ chối đầu tư vào bất kỳ công ty nào mà ông không hiểu rõ về ngành kinh doanh của họ, và ông hầu như tránh tất cả các chứng khoán tài sản thế chấp và các công cụ phái sinh vì quan điểm của ông là các hình thức này quá phức tạp và không rõ ràng. Chính điều này đã giúp Berkshire Hathaway tránh được những cơn ác mộng kinh hoàng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Việc tránh các sai lầm – khi vướng vào các rủi ro không cần thiết – là một trong những năng lực mà các CFO – Giám đốc Tài chính nào cũng cần có để thành công trong đầu tư và tối đa hóa lợi nhuận. Hãy cảnh giác với 3 sai lầm sau đây, vì chúng hoàn toàn có thể trở thành “tấm màn che mắt”, cản bước các CFO đạt được các mục tiêu thực sự quan trọng.
Sai lầm 1: Quá tự tin
Tại 2 trường đại học nổi tiếng, Yale và Princeton, các nhà tâm lý thường đưa cho sinh viên của mình bản câu hỏi đánh giá so sánh bản thân họ và bạn bè cùng lớp. Chẳng hạn, các sinh viên được hỏi: “Bạn có phải bạn lái xe chuyên nghiệp hơn người bạn cùng lớp không?” Lúc nào cũng vậy, đa số trả lời rằng, họ là những tài xế trên mức trung bình. Ngay cả khi được hỏi về năng khiếu thể thao, một lĩnh vực ai cũng nghĩ vốn khó mà đánh lừa bản thân, thì các sinh viên nói chung vẫn đánh giá mình trên mức trung bình. Họ luôn tự cho mình khá giỏi trong nhiều lĩnh vực như khiêu vũ, hoạt động xã hội, quan hệ bạn bè,…
Và hiện tượng này cũng xảy ra trong hoạt động đầu tư. Trong những năm gần đây, một nhóm các nhà tâm lý học hành vi các nhà kinh tế học tài chính đã xây dựng nên một lĩnh vực rất quan trọng, nghiên cứu về các hành vi trong hoạt động tài chính. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng con người không phải lúc nào cũng tuân theo lý trí. Chúng ta có khuynh hướng quá tự tin. Nếu chúng ta có một vụ đầu tư thành công, chúng ta dễ dàng nhầm lẫn may mắn với năng lực thực sự.
Để ngăn ngừa những ảnh hưởng nguy hại từ sự tự tin quá mức, hãy nghĩ về tennis nghiệp dư. Một người chơi đều đặn trả bóng mà không hề có những pha xuất thần lại thường là những người chơi dành chiến thắng chung cuộc. Và một nhà đầu tư cẩn trọng luôn duy trì một danh mục đầu tư đa dạng ở những hạng mục đầu tư ít thay đổi sẽ có cơ hội đạt được các mục tiêu dài hạn của mình.
Sai lầm 2: Tâm lý bầy đàn
Mọi người cảm thấy an toàn hơn khi đi theo số đông. Các nhà đầu tư có khuynh hướng trở nên ngày càng lạc quan, và vô tình chuốc lấy những rủi ro ngày càng lớn trong các thị trường đầu cơ giá lên cũng như trong giai đoạn bình ổn. Đó là lý do tại sao họ chỉ sống dựa vào các bong bóng đầu cơ.
Nhưng bất kỳ một thương vụ đầu tư nào được mọi người bàn tán rầm rộ hay được giới truyền thông tung hê chăm chút thì rất có thể sẽ thất bại thảm hại. Xuyên suốt lịch sử đầu tư, ta có thể thấy nhiều sai lầm đầu tư tai hại nhất đều khởi nguồn từ những đám đông lao theo cơn lốc của bong bóng đầu cơ. Ví dụ với vụ việc tulip ở Hà Lan những năm 1630, bất động sản ở Nhật những năm 1980, cho đến bong bóng Internet ở Hoa Kỳ những năm 1990, tất cả những người chạy theo trào lưu với niềm tin rằng “lần này sẽ khác” cuối cùng tự chuốc lấy những thất bại đau đớn và gây ra những sai lầm đầu tư tệ hại nhất trong lịch sử.
Sai lầm 3: Tự giả định rằng mình có quyền lực kiểm soát lớn hơn thực tế
Các nhà tâm lý học đã nhận dạng một khuynh hướng: người ta thường nghĩ rằng họ nắm quyền kiểm soát sự việc ngay cả khi họ thực sự chẳng có chút ảnh hưởng nào. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư định giá giá quá cao một cổ phiếu đang mất giá nào đó trong danh mục đầu tư của mình. Nó cũng có thể kéo theo việc họ tưởng tượng ra một xu hướng nào đó dù nó không hề tồn tại hay họ tin rằng mình phát hiện ra một mô hình nào đó từ biểu đồ cổ phiếu và qua đó dự đoán được tương lai.
Thật ra, sự thay đổi trong giá cổ phiếu rất giống một “cuộc dạo bước ngẫu nhiên”: Không có phương pháp nào hoàn toàn chính xác để dự đoán các thay đổi trong tương lai của giá cổ phiếu dựa trên những “bước đi” trước đó của nó. Bất kỳ xu thế thị trường chứng khoán nào được “phát hiện” sẽ không kéo dài được lâu vì nhiều người sẽ cố gắng tận dụng điều đó.
Nguồn: money.cnn.com