KHỞI NGHIỆP – NGHĨ LỚN, KHỞI ĐẦU NHỎ

Phương pháp Khởi nghiệp tinh gọn tái nhận thức những nỗ lực của một công ty khởi nghiệp như là những thử nghiệm chiến thuật để thấy được điểm nào là xuất sắc, điểm nào là không thực tế.

Một thử nghiệm đích thực phải theo phương pháp khoa học. Nó bắt đầu với một giả thuyết rõ ràng, tiên liệu về điều gì sẽ xảy ra. Sau đó mới kiểm tra các tiên liệu đó bằng thử nghiệm. Cũng như thí nghiệm khoa học được bắt đầu bằng lý thuyết, thí nghiệm khởi nghiệp được dẫn đường bằng tầm nhìn khởi nghiệp. Mục tiêu của mọi thử nghiệm khởi nghiệp là khám phá cách làm thế nào xây dựng nên một công ty vững vàng trên nền tảng tầm nhìn đó.

LSM 1

NGHĨ LỚN, KHỞI ĐẦU NHỎ: CÂU CHUYỆN CỦA ZAPPOS

Zappos là cửa hàng bán giày online lớn nhất thế giới, doanh số ròng hàng năm vượt quá 1 tỉ đô-la. Nó được biết tới như một trong những công ty thương mại điện tử thành công nhất, thân thiện với khách hàng nhất trên thế giới, nhưng nó không hề khởi đầu theo hướng này.

Người sáng lập Nick Swinmurn đã rất phẫn nộ vì không có website trực tuyến trung tâm nào có một số lượng giày lớn. Ông hình dung ra một giải pháp bán lẻ mới, ưu việt hơn. Swinmurn lẽ ra phải chờ rất lâu, thử nghiệm toàn bộ ý tưởng của mình với nào là nhà xưởng, đối tác cung cấp và lời hứa hẹn về doanh thu “khủng”. Rất nhiều nhà tiên phong về thương mại điện tử làm chính xác như vậy, bao gồm cả những công ty thất bại “vĩ đại” như Webvan và Pets.com.

Thay vào đó, ông bắt đầu bằng cách chạy một thử nghiệm. Giả thuyết của ông là khách hàng đã sẵn sàng, tình nguyện mua giày trực tuyến. Để kiểm tra, ông bắt đầu bằng cách hỏi các tiệm giày địa phương liệu mình có thể chụp hình kho hàng của họ không. Đổi lại sự cho phép chụp hình, ông sẽ đưa các bức ảnh lên mạng và quay lại mua giày của họ đúng giá niêm yết nếu khách hàng chịu mua online.

Zappos ban đầu chỉ là một sản phẩm đơn giản, nhỏ xíu. Nó được thiết kế để trả lời một câu hỏi tối thượng: liệu đã có đầy đủ nhu cầu về một trải nghiệm mua giày trực tuyến chất lượng hay chưa? Tuy nhiên, thử nghiệm được thiết kế tốt như kiểu vừa nêu của Zappos đã làm nhiều hơn là việc chỉ thử nghiệm một góc độ độc lập trong bản dự án kinh doanh.

LSM

Trong lúc kiểm nghiệm phỏng đoán đầu tiên đó, họ đồng thời kiểm nghiệm nhiều phỏng đoán khác nữa. Để bán giày, Zappos phải tương tác với khách hàng: nhận thanh toán, xử lý nguồn tiền vào và đối mặt với việc hỗ trợ khách hàng. Từ nghiên cứu thị trường, họ quyết định đây sẽ là sự khác biệt. Nếu Zappos dựa vào nghiên cứu thị trường sẵn có hay làm khảo sát, họ sẽ hỏi khách hàng muốn gì. Thay vào đó, bằng cách xây dựng một sản phẩm, công ty học được rất nhiều điều:

1. Họ có nhiều dữ liệu chính xác về nhu cầu khách hàng, vì quan sát trực tiếp hành vi của khách hàng thực, chứ không phải là đi hỏi những câu giả thiết.

2. Họ đặt chính bản thân mình vào vị trí phải tương tác với khách hàng thật, học hỏi về nhu cầu của người mua. Ví dụ, một dự án kinh doanh có thể đưa ra giá giảm, nhưng ý niệm tiếp thu từ phía khách hàng về sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi chiến thuật giảm giá?

3. Họ cho phép chính bản thân mình bị ngạc nhiên bởi khách hàng hành xử theo những cách không dự tính tới, hỏi đến những thông tin mà Zappos nhiều khả năng không thể ngờ đến. Ví dụ, nếu khách hàng trả lại giày thì sao?

Thử nghiệm ban đầu của Zappos đem đến kết quả rõ ràng và đong đếm được: Liệu có một lượng khách hàng đủ nhiều tìm mua giày hay không? Nó cũng đặt công ty vào vị thế phải quan sát, tương tác, học hỏi từ những khách hàng và cộng sự. Sự học hỏi về chất này là yếu tố cần thiết cho kiểm nghiệm về lượng.

Dù nỗ lực ban đầu rõ ràng chỉ trên phạm vi nhỏ nhưng nó không ngăn cản được việc người ta nhận thấy tầm nhìn khổng lồ của Zappos. Thực vậy, đến năm 2009, Zappos đã được mua lại bởi gã khổng lồ về thương mại điện tử Amazon.com với con số công khai là 1,2 tỉ đô-la.

Nguồn tham khảo: Sách “Khởi nghiệp tinh gọn” do PACE phát hành