Kinh nghiệm chọn áo sơ mi nam và vải may áo
Quần áo là thứ không thể thiếu với bất kỳ ai và ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nhưng kiểu dáng không thôi chưa đủ, chất lượng mới là điều quan trọng, vậy mà tiếc rằng mấy gã đàn ông chải chuốt ăn mặc ngon lành biết chọn vải lại chỉ là thiểu số sắp tuyệt chủng. Nếu bị đẩy vào một nơi thế này, liệu bạn có thể quay ra với một cuộn vải tốt?
Vấn đề là bạn chẳng biết đủ nhiều về vải, rồi chủ hàng sẽ dúi cho bạn bất kỳ mặt hàng tồn kho nào có thể và bạn cứ thế mua, cứ thế may, cứ thế mặc, thấy nóng nực khó chịu cũng chẳng biết mà chỉ cằn nhằn kêu nóng.
Xem thêm:
Đồng phục áo sơ mi nam công sở
Thực ra, vải áo sơ mi thông thường cũng chỉ gồm hai loại sợi chính: bông và lanh.Vải sợi bông (cotton): lâu mòn rách, dễ nhàu, dễ cháy, dễ nhuộm, dễ sinh nấm mốc ở điều kiện ẩm, có thể giặt ủi ở nhiệt độ cao, không giữ nhiệt nên mặc thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
Để tránh những chiếc áo sơ mi có pha, hãy kiểm tra kỹ mác áo hoặc tag. Tuy nhiên, không phải chiếc áo nào cũng thật thà ghi đầy đủ thông tin. Trong trường hợp đó, hãy căn cứ vào tính chất của vải sợi bông để quan sát và cảm nhận bằng tay. Áo sơ mi 100% cotton sẽ mềm, dai, dễ nhàu, tuyệt đối không co giãn, nếu là áo trắng sẽ có ánh vàng (kể cả áo mới) bởi bản thân quả bông khi còn trên cây đã có màu kem chứ không trắng tinh, trong khi áo pha thường hơi có ánh xanh.
Vải cotton thấm hút mồ hôi, cũng như với nước hoa, sẽ giữ được mùi tốt hơn vải pha. Và bạn có muốn trở thành người sành ăn mặc? Hay muốn được những người sành ăn mặc đánh giá cao? Hoặc ít nhất là không muốn lúc nào cũng trông giống như vừa tắm với bầy chồn? Tuyệt đối tránh xa những chiếc sơ mi đầy polyester ngay từ bây giờ đi.
Cũng có loại sơ mi 97% cotton pha 3% thun (spandex) để có độ co giãn thoải mái hơn nhưng nên cẩn thận vì khi giặt, áo sẽ dễ bị co và không vừa người nữa.
Vải sợi lanh (linen): bề mặt mịn, phẳng, nhanh nhàu, để lâu trong tủ một chiếc sơ mi lanh được gấp lâu ngày sẽ có vết hằn, thường mặc vào mùa hè.
Tính chất của cotton và lanh gần giống nhau. Nếu không có thông tin rõ ràng, hãy kiểm tra bằng mắt: bề mặt sơ mi cotton thường được dệt sát và đều nhau, còn sơ mi lanh sẽ hiện lên nhiều đường chỉ ngang dọc và dễ thấy các lỗ li ti, nhưng cứ yên tâm về chất lượng, vải lanh còn được chuộng nhiều hơn cotton vào mùa hè.
Còn nếu đi mua vải may áo sơ mi thì sao? Vải đâu có gắn mác?
Trong trường hợp bạn vừa ít kinh nghiệm thị giác và cảm giác, lại vừa không được cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, vậy thì phải ĐỐT thôi. Và quan sát kỹ.
Khi đốt, cả cotton và lanh đều không bị chảy. Nếu chảy (hoặc bị co, tỏa nhiều nhiệt), đấy là vải pha sợi nhân tạo —> Loại.
Nếu vải bén lửa ngay, không mùi, ngọn lửa có màu vàng —> Vải cotton.
Nếu vải bén lửa chậm, có vẻ giòn ra —> Vải lanh.
Khi đốt vải sợi bông (cotton):
– Tốc độ bắt lửa: nhanh.
– Màu tro: xám/đen nhạt (như tro giấy).
– Màu tàn: đỏ.
– Mùi: giống đốt giấy, gần như không có mùi.
Khi đốt vải sợi lanh (linen):
– Tốc độ bắt lửa: trung bình (chậm hơn cotton).
– Màu tro: xám/đen (như tro giấy nhưng đen hơn tro cotton).
– Màu tàn: đỏ.
– Mùi: giống đốt giấy, gần như không có mùi.
Nếu không chắc chắn về chất lượng vải, hãy thoải mái hỏi người bán để được đốt thử. Cây ngay không sợ chết đứng, họ muốn bán được hàng chuẩn tội gì không cho ta đốt một mẩu!